TUYÊN TRUYỀN KIẾN THỨC VỀ MƯA LỚN VÀ KỸ NĂNG PHÒNG, CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU MƯA LỚN

TUYÊN TRUYỀN KIẾN THỨC VỀ MƯA LỚN VÀ KỸ NĂNG PHÒNG, CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU MƯA LỚN
TUYÊN TRUYỀN KIẾN THỨC VỀ MƯA LỚN VÀ KỸ NĂNG PHÒNG, CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU MƯA LỚN Tình hình thiên tai và đặc điểm mưa lớn tại Quảng Nam
TUYÊN TRUYỀN KIẾN THỨC VỀ MƯA LỚN VÀ KỸ NĂNG PHÒNG, CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU MƯA LỚN
  1. Tình hình thiên tai ở Việt Nam

Biến đổi khí hậu luôn là thách thức lớn nhất đối với cả nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các thiên tai trở nên khốc liệt hơn và có thể trở thành thảm hoạ, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, có thể xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đã và đang gia tăng ở hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiệt độ và mực nước biển trung bình toàn cầu tiếp tục tăng nhanh chưa từng có trong thời gian qua, đang là nỗi lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên những cơn bão có sức tàn phá lớn xuất hiện ngày càng nhiều, gây phá huỷ nhà cửa, công trình, hoa màu, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại gần 1 trong 5 “ổ” bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn rất phức tạp. Mùa bão trùng với mùa mưa, cộng thêm địa hình núi cao sườn dốc, đồng bằng hẹp, trũng là mối đe dọa thường trực đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với quy mô và hậu quả ngày càng nặng nề hơn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy, làm thiệt hại nhiều tài sản; đẩy cuộc sống của nhân dân vùng bão, lũ, thiên tai vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong hơn 30 năm qua tại Việt Nam, bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP.  

Theo Chỉ số Rủi ro Thiên tai Toàn cầu 2018, Việt Nam là một trong 10 nước phải chịu tác động nhiều nhất của các sự kiện thời tiết cực đoan gây tổn thất. Kể từ những năm 1970, mỗi năm Việt Nam có tới trên 500 người tử vong do thiên tai và thiệt hại chiếm trên 1,5% GDP. Báo cáo về đóng góp quốc gia tự nguyện để ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nhấn mạnh rằng thiệt hại do thiên tai vào năm 2030 có thể lên tới 3 - 5% GDP.

  1. Tình hình thiên tai và đặc điểm mưa lớn tại Quảng Nam

Một trong những hệ quả của những loại hình thế thời tiết cực đoan gây thiệt hại nặng nề nhất chính là mưa lớn. Mưa lớn thường kèm theo những tác động như lũ, lụt ngập úng, lũ quét, sạt lở đất,…

Dựa trên số liệu mưa ngày quac trắc của các trạm trong tỉnh, mưa lớn chủ yếu tập trung từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Các tháng còn lại trong năm cũng có xảy ra mưa lớn nhưng không đều trong mỗi năm và tần suất xuất không nhiều. Quảng Nam lại có địa hình đồi núi dốc, ngắn và chia cắt nên khi có mưa lớn thường xảy ra sạt, lở đất vùng sườn, đồi núi, ngập lụt ở các vùng trũng và lũ quét.

Lượng mưa trung bình năm ở các địa phương Quảng Nam thuộc loại lớn so với khu vực và toàn quốc. Tổng lượng mưa trung bình năm ở đồng bằng ven biển và các huyện: Hiên, Nam Giang, Đại Lộc từ 2200 đến 2500mm, ở trung du và vùng núi từ 3000 - 4000mm, vùng núi cao phía tây nam tỉnh có lượng mưa trung bình năm trên 4000mm.

So với các trung tâm mưa lớn nhất nước ta là Bắc Quang (Hà Giang) có lượng mưa trung bình năm 4779mm thì tại Trà My (Quảng Nam) có lượng mưa trung bình năm là 4169mm, năm mưa lớn nhất đạt 7303mm (năm 1996) cũng là một trong những địa phương mưa lớn nhất trên toàn quốc.

So với trung tâm mưa nhỏ nhất nước ta là Phan Rang (Ninh Thuận) có lượng mưa trung bình năm 908mm thì ở phía đông Thăng Bình nơi mưa ít nhất tỉnh cũng có lượng mưa trung bình năm là 1920mm, cao hơn rất nhiều.

Quảng Nam không những là nơi có lượng mưa tương đối lớn mà còn là nơi có cường độ mưa cũng rất lớn. Một năm trung bình ở các địa phương Quảng Nam có 10 đến 20 ngày mưa to (lượng mưa ngày trên 50mm); trong đó có 3 - 8 ngày mưa rất to (lượng mưa ngày trên 100mm).

Mưa lớn xảy ra trong tỉnh thường xuất hiện khi có các hình thế synop như Bão hoặc ATNĐ, Không khí lạnh, rãnh thấp xích đạo, nhiễu động gió Đông... hoặc khi có sự kết hợp của 2 hay nhiều hình thế Synop khác nhau. Mỗi hình thế Synop tác động thường có tính chất và lượng mưa không giống nhau. Như mưa do Bão hoặc ATNĐ thì mưa không kéo dài, khi bão đi qua hoặc tan đi thì mưa thường kết thúc ngày sau đó và thường phổ biến 100 - 250mm mỗi đợt, còn khi có sự kết hợp các hình thế mưa kéo dài ngày và lượng mưa tăng lên đột biến.

Bảng: Mưa ngày lớn nhất và hình thế gây mưa thời kỳ 1980 - 2010 (Trích: Đặc điểm Khí hậu Quảng Nam)

Địa điểm

Lượng mưa (mm)

Thời gian xuất hiện

Hình thế thời tiết gây mưa

Hiên

482.2

17/11/1980

ATNĐ đổ bộ vào Phú Khánh

Khâm Đức

531.0

29/10/1996

Không khí lạnh, DHTNĐ

Thành Mỹ

621.9

02/11/1999

Trường gió E, NE với ATNĐ phía nam

Hội Khách

459.2

31/10/1983

ATNĐ vào Phú Khánh ngày 29/X

Ái Nghĩa

500.6

03/11/1999

Trường gió E, NE với ATNĐ phía nam

Đà Nẵng

592.6

03/11/1999

Trường gió E, NE với ATNĐ phía nam

Trà My

503.5

11/11/2007

Hoàn lưu bão số 6, đới gió Đông

Tiên Phước

534.4

04/12/1999

Không khí lạnh, gió Đông, DHTNĐ

Hiệp Đức

526.6

26/11/2004

Hoàn lưu bão số 4 với không khí lạnh

Nông Sơn

513.3

31/10/1983

ATNĐ vào Phú Khánh.

Giao Thủy

480.6

03/11/1999

Trường gió E, NE với ATNĐ phía nam

Câu Lâu

541.9

03/11/1999

Trường gió E, NE với ATNĐ phía nam

Hội An

666.6

03/12/1999

Không khí lạnh, gió Đông, DHTNĐ

KT Tam Kỳ

405.2

03/12/1999

Không khí lạnh, gió Đông, DHTNĐ

Như bảng trên, thay có thể thấy lượng mưa lớn nhất một ngày còn lớn hơn tổng lượng mưa trung bình các tháng của mùa mưa ít.

Trong năm 2020 vừa qua, thiên tai xảy ra tại tỉnh Quảng Nam cũng không kém phần khắc nghiệt, đặc biệt về loại hình thiên tai sạt lở đất. Trong tháng 10/2020, các địa phương Quảng Nam có số ngày mưa khá đồng đều từ 23 - 29 ngày với tổng lượng mưa cao hơn Trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (TBNN) từ 200 - 300%, riêng Hội Khách cao hơn gần 500% so với TBNN, tổng lượng mưa đạt từ 1600 - 2100mm. Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã xuất hiện 27 ngày mưa, với tổng lượng mưa đạt 1.512mm; lượng mưa ngày lớn nhất đạt 254.4mm vào ngày 28/10/2020, với cường suất mưa đạt 41.4mm/giờ.

Tại Khâm Đức, huyện Phước Sơn trong tháng 10 đã xuất hiện 28 ngày mưa, với tổng lượng mưa đạt 1.619mm; lượng mưa ngày lớn nhất đạt 322,6mm vào ngày 28/10/2020. Với lượng mưa rất lớn kéo dài nhiều ngày nêu trên đã làm cho đất bão hòa nước, mất dần liên kết nên gây sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn của thiên tai năm 2020 và với dự báo diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, để chủ động ứng phó với tình hình trên, cần phải tuyên truyền kiến thức về thiên tai đặc biệt là kiến thức mưa lớn và kỹ năng phòng, chống trước, trong và sau đợt mưa lớn cho mọi người nhằm nâng cao nhận thức và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Sau đây hãy cùng tìm hiểu các kiến thức về mưa lớn, cách khai thác, sử dụng số liệu mưa lớn và kỹ năng phòng chống trước, trong và sau đợt mưa lớn.

  • KIẾN THỨC CHUNG VỀ MƯA LỚN:
  1. Có thể hiểu thế nào là mưa lớn ? (Theo Quyết định số 18 quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai)

Hiện tượng mưa lớn là hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới hay dải hội tụ nhiệt đới, hội tụ gió mạnh trên nhiều tầng, front lạnh, đường đứt... Đặc biệt khi có sự kết hợp giữa chúng với nhau ở cùng một thời điểm sẽ càng nguy hiểm hơn, gây nên mưa to, gió lớn, dông, mưa đá trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng.

Mưa lớn hay mưa vừa mưa to diện rộng là quá trình mưa xảy ra mang tính hệ thống trên một hay nhiều khu vực. Mưa lớn diện rộng có thể xảy ra một hay nhiều ngày, liên tục hay ngắt quãng, một hay nhiều trận mưa và không phân biệt dạng mưa. Căn cứ vào lượng mưa thực tế đo được 24h tại các trạm quan trắc khí tượng bề mặt, trạm đo mưa  trong mạng lưới khí tượng thủy văn mà phân định các cấp mưa khác nhau theo quy định của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO). Qua đó mưa lớn được chia làm 3 cấp:

  - Mưa vừa:    Lượng mưa đo được từ 16 - 50 mm/24h.

  - Mưa to:       Lượng mưa đo được từ 51 - 100 mm/24h.

  - Mưa rất to:  Lượng mưa đo được > 100 mm/24h.

Lượng mưa được tính từ 19 giờ ngày hôm trước đến 19 giờ ngày hôm sau.

Trong các nghiên cứu về ảnh hưởng của mưa thì cấp mưa to 51-100 mm/24h bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.

  1. Thế nào là mưa lớn diện rộng ?

  Trên thực tế các khu vực dự báo được quy định ở nước ta chỉ có thể liền kề  với một hoặc hai khu vực dự báo khác và mưa lớn mang tính chất hệ thống bao giờ cũng xảy ra trên diện tích bề mặt tương đối liên tục. Bởi vậy việc quy định mưa lớn diện rộng theo định nghĩa như sau: Mưa lớn diện rộng là quá trình mưa lớn xảy ra ở một hay nhiều khu vực dự báo liền kề với tổng số trạm quan trắc quy định sau:

+ Một khu vực dự báo được coi là có mưa lớn diện rộng khi mưa lớn xảy ra quá một nửa số trạm trong toàn bộ số trạm có quan trắc mưa thu thập được của khu vực đó.

+ Mưa lớn xảy ra ở 2 hoặc 3 khu vực dự báo liền kề nhau thì khi tổng số trạm quan trắc mưa lớn phải vượt quá 1/2 hoặc 1/3 tổng số trạm có quan trắc mưa thu thập được trong 2 hoặc 3 khu vực liền kề.

Chú ý khi mưa lớn xảy ở nhiều khu vực liền kề nhau thì các trạm quan trắc được tính cũng phải liền kề nhau trong khu có mưa đó. Việc mô tả khu vực xảy ra mưa lớn diện rộng phải căn cứ trên việc phân chia các khu vực nhỏ trong các khu vực dự báo đang được sử dụng hiện nay.

  1. Thế nào là một đợt mưa lớn diện rộng ?

  Một đợt mưa lớn diện rộng là một đợt mưa xảy ra tương đối liên tục trong một khoảng thời gian nhất định trong đó có ít nhất một ngày đạt tiêu chuẩn  mưa lớn diện rộng.

  Khi quá trình mưa lớn diện rộng xảy ra nhiều đợt trong một thời gian dài, các đợt mưa lớn diện rộng khác nhau được cách biệt bởi khoảng thời gian liên tục ít nhất là 24h với trên 1/2 tổng số trạm quan trắc hoàn toàn không có mưa.

  Tổng lượng mưa cả đợt được tính theo lượng mưa đo được thực tế của từng trạm trong khoảng thời gian của cả đợt mưa kể từ thời gian bắt đầu đến thời gian kết thúc mưa. Tổng lượng mưa lớn nhất được chọn trong tổng lượng mưa thực đo của các trạm. Lượng mưa trung bình khu vực là lượng mưa trung bình của tất cả các trạm đo trong khu vực lớn hoặc khu vực nhỏ. Lượng mưa trung bình khu vực được chọn theo các khoảng lượng mưa cách nhau từ 10 - 50 mm.

  1. Mưa lớn thường gây ra những hậu quả như thế nào?
  • Mưa lớn gây lũ quét ở vùng núi và ngập lụt ở hạ du kéo dài gây thiệt hại về người và của, nhiều ngôi nhà ngập sâu trong nước, cuốn trôi và làm hư hại hoa màu, vật nuôi…

            Tiêu biểu là trận Đại hồng thủy năm 1999, mưa lớn kéo dài từ ngày 01-06/11/1999 với tổng lượng mưa cả đợt đạt 970 - 130mm, trong đó lượng mưa ngày lớn nhất đạt 666.6mm/24h tại Hội An. Trong đợt mưa lũ này, ở tỉnh Quảng Nam, làng Ấp Bắc (thuộc xã Đại Phong, huyện Đại Lộc) được xem là "rốn lũ" của khu vực này. Lũ cũng ảnh hưởng đến toàn huyện Đại Lộc. Các huyện đồng bằng khác như Điện Bàn, Duy Xuyên, thị xã Hội An và một số khu vực khác cũng bị lũ ảnh hưởng gây ngập sâu. Sạt lở núi, đất đá đã xảy ra trên một số tuyến đường, đặc biệt Quốc lộ 1A bị ngập và giao thông ách tắc. Lũ quét cũng đã xảy ra ở một số huyện vùng núi gây thiệt hại nghiêm trọng. 3.500 hécta ruộng tại tỉnh này bị hư hỏng và mất trắng, tổng thiệt hại là 29 triệu USD (thời điểm năm 1999). Tỉnh cũng có 53 người chết, đứng thứ hai sau tỉnh Thừa Thiên Huế. Một tháng sau, trong trận lụt đầu tháng 12 thì Quảng Nam lại trở thành tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất.

  • Với lượng mưa rất lớn kéo dài nhiều ngày đã làm cho đất bão hòa nước, mất dần liên kết nên gây sạt lở đất nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

            Hậu quả do mưa lũ gây ra từ cơn bão số 9 ngày 28/10/2020 thực sự nặng nề, trong đó phải kể đến hậu quả do mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất nghiêm trọng. Cụ thể, ở huyện Nam Trà My 19 người chết, 13 người mất tích, Phước Sơn 09 người chết, 04 người mất tích, Bắc Trà My (01 người chết). Vụ sạt lở đất tại Quốc lộ 40B đoạn qua thôn 3, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My lúc 14 giờ 45 phút ngày 11/11/2020 đã làm 01 người chết (trú tại huyện Thăng Bình), 02 người bị thương trong lúc lưu thông trên đường.

Toàn tỉnh Quảng Nam có 2.372 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn (huyện Duy Xuyên 2 nhà, Núi Thành 50 nhà, Đại Lộc 124 nhà, Hội An 3 nhà, Điện Bàn 25 nhà, Tam Kỳ 1550 nhà, Nông Sơn 450 nhà, Phước Sơn 142 nhà, Bắc Trà My 5 nhà, Nam Trà My 14 nhà, Nam Giang 3 nhà, Tây Giang 4 nhà)...T

Thiên tai, bão lũ năm nào cũng xảy ra, cũng gây thiệt hại nặng nề. Vậy người dân có thể biết được các thông tin về đợt mưa lớn bằng cách nào? Có thể làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình trước mưa lớn? Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

  1. Khai thác, sử dụng thông tin mưa lớn và kỹ năng phòng chống trước, trong và sau mưa lớn.
  2. Khai thác, sử dụng thông tin mưa lớn
  • Xem thông tin cảnh báo, dự báo mưa lớn từ:

+  Trang thông tin của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia:

+  Đài KTTV tỉnh Quảng Nam:

  • Facebook: Thời tiết Quảng Nam

         +  Theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình, truyền thanh.

  • Xem thông tin lượng mưa các địa phương tại:
  • Cài đặt App Vrain by Watec: tên đăng nhập là tên tỉnh viết liền không dấu, mật khẩu đăng nhập là 123456.
  1. Kỹ năng phòng chống trước, trong và sau mưa lớn
  • Khi gặp lũ lụt, hãy di chuyển lên vị trí cao, vững chắc để tránh bị dòng nước cuốn đi.

-      Chăm sóc cây xanh. Có ý thức bảo vệ môi trường

-      Thường xuyên theo dõi Dự báo thời tiết để nắm các thông tin về bão, lũ

-      Học bơi khi có thể.

-      Ở những nơi thường xảy ra lũ lụt, người dân hãy học cách sử dụng và trang bị áo phao, phao cứu sinh khi cần thiết.

-      Ngắt nguồn điện, chủ động kiểm tra hệ thống điện của gia đình mình, xung quanh khu vực sinh sống. Nếu có gì bất thường phải báo cho cơ quan điện lực biết để xử lý kịp thời, cảnh báo mọi người xung quanh

-      Tích trữ lương thực như mỳ tôm, nước suối đóng chai,… trong thời gian ngắn trước khi lực lượng cứu hộ đến.

-    Khi nhận được thông tin cảnh báo về đợt mưa lớn có thể xảy ra tại địa phương. Cần chủ động phòng chống kiểm tra lại nhà cửa, nơi ở xung quanh đảm bảo an toàn.

-     Hạn chế đi lại khu vực nguy hiểm để phòng chống nguy hiểm từ ngập lụt. Nếu cần đi ra đường trong lúc mưa lũ, hết sức lưu ý.

-        Chủ động di dời đến nơi ở cao hơn, ít bị ảnh hưởng bởi ngập hơn, chuẩn bị áo phao.

-        Đối với vùng trũng thấp thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi ngập lụt, vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài, chính quyền địa phương cần có phương án di dời dân đến nơi an toàn trước khi đợt mưa lũ xảy ra.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng, phổ biến các kỹ năng, kiến thức kinh nghiệm về những biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; trọng tâm là hướng dẫn nhân dân kỹ năng phòng tránh các thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh như nắng nóng, hạn hán, mưa lớn, lũ, lụt, lốc xoáy, giông sét, sạt lở... Thường xuyên cập nhật, phổ biến những thông tin mới nhất để cảnh báo đến người dân. Vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống cho gia đình và tham gia công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai của cộng đồng, địa phương. Thông tin việc triển khai các giải pháp thực hiện phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương như: đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, suối, khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở...

Tác giả bài viết: Đài Khí tượng Thủy Văn tỉnh Quảng Nam

Nguồn tin: Đài Khí tượng Thủy Văn tỉnh Quảng Nam