Trang nhất » Tin Tức » Tin tức và sự kiện » Tin thời sự

Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam

BẮC QUẢNG NAM: TÊ LIỆT VÌ LŨ

Thứ ba - 29/09/2015 10:05
(QNO) - Bão dữ chưa qua, lũ lớn lại đến, hàng nghìn người dân Quảng Nam đang lâm cảnh màn trời chiếu nước, thiếu ăn, và rét lạnh… Cho đến chiều 30-9, nước lũ trên các sông phía bắc của tỉnh vẫn còn cao, rút rất chậm, vùng hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn vẫn ngập chìm trong màn nước đục tê tái đầy bất trắc.

alt
Hàng ngàn khách bộ hành và phương tiện mắc kẹt trên quốc lộ 1A - đọan qua Quảng Nam từ hai ngày qua, kéo dài trên hơn 30km từ địa phận bắc Tam Kỳ - Đà Nẵng.
 
alt
Nhiều vùng trũng phía đông của các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn và Đại Lộc, vẫn còn chịu lũ cao trong nhiều ngày nữa.
 
    Đến chiều 30-9, thống kê của ban chỉ huy PCLB tỉnh cho biết đã có 10 người chết trong lũ, mực nước lũ trên các sông vẫn còn ở mức khá cao. Cụ thể, đỉnh lũ đo tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) là 10,77m, sông Giao Thuỷ đỉnh lũ 9,75m - đều cao hơn đỉnh lũ lịch sử 1999 và 2007. Hội An nước sông lên trên 3m, cao hơn báo động III đến 1,3 mét…  Bộ Chỉ huy  Bộ đội Biên phòng tỉnh sáng 30-9 cho biết,  18 tàu vận tải trú bão tại Cù Lao Chàm (Hội An) an toàn. Riêng tàu Thành Minh 27 với 7 thuyền viên đã bị chìm chưa thể tìm kiếm, tàu Phương Mai có 9 thuyền viên đã được cứu thoát trong khi đe dọa chìm, phương tiện này hiện an toàn. Trong ngày 30-9,  Quảng Nam đã tiếp nhận 800 thùng mỳ tôm của Quân khu 5 cứu trợ, xuất khẩn cấp 1.000 tấn gạo để cứu đói…
Nhóm phóng viên Báo Quảng Nam theo Đoàn công tác đầu tiên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu dẫn đầu bằng cano cùng lực lượng Biên phòng tỉnh bắt đầu tiếp cận vùng rốn lũ từ địa phận xã Quế Phú (huyện Quế Sơn) từ quốc lộ 1A. Từ hơn hai ngày qua, không có bất cứ một phương tiện đường bộ nào có thể vượt qua đoạn đường bị ngập hơn 0,5 – 1 mét nước.Nước tràn đường lộ, đầy rơm rạ trôi như thác lũ. Từ đây về phía đông, vùng trũng 6 xã của huyện Duy Xuyên và Thăng Bình và một phần của huyện Quế Sơn đang có hàng ngàn hộ dân bị ngập lụt, chưa có bất kỳ phương tiện nào từ bên ngoài có thể tiếp cận được. Ông Huỳnh Đức Minh – người dân khu tái định cư Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) ba ngày qua cùng hơn 30 trai tráng ở lại cố thủ tại khu tái định cư, thấy thuyền máy ông cuống quýt lao ra kéo dây, chờ đợi. “Bão ni không lớn, nhưng dai quá, thổi suốt một ngày – đêm, sức người không chịu nổi. Khu tái định cư chúng tôi ở như tấm phản, phía sau là lũ thốc vào lưng, phía trước gió vỗ mặt, may không chết, chừ thêm lũ…” – ông Minh nói. Đó là khu tái định cư Hồng Triều, quá phiêu và bất trắc. Ông Minh không dám kêu đói, nhưng lo cho tính mạng 47 hộ dân tái định cư chưa biết trôi ra sông lúc nào. Trong làng, người em ruột của ông đang tất bật lo cái ăn cho hơn 30 mạng người từ khu tái định cư vào tránh bão lũ. “Vợ chồng nó không đủ ăn, nhưng cũng ráng lo cho bà con vào có cái ăn đủ sức mà chạy lũ”- Lời ông Minh
 
alt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu trao mỳ tôm, nước uống cho chị Trần Thị Vịnh (28 tuổi, tại Duy Thành, Duy Xuyên) và đứa con trai đầu bị bại liệt….
 
 
alt
Cầu Trường Giang đang thi công bị chìm toàn bộ phần đường dẫn.
 
Đứng tại khu tái định cư Hồng Triều mênh mông nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh  Đinh Văn Thu vô cùng lo lắng bởi tính an toàn của nơi mà đúng ra phải thật an toàn cho tàu bè và con người. Cũng tại đây,  suốt chiều và đêm 28-9, đồng chí Đinh Văn  Thu và Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Văn Khương phải đích thân đội mưa ra tận bãi hò hét, xua đuổi hơn 60 tàu bè của ngư dân đang chơi vơi trước họng gió, nếu không hậu quả bây giờ sẽ không là không nhẹ chút nào. Quả thật, trong cơn bão lớn, gần chục tàu thuyền cỡ trung bị sóng đánh bể tan tành, nhiều thuyền nhỏ phải tự đánh chìm…
 
Quốc lộ 1A, nhiều đọan ngập trong biển nước
 
 
Xe thiết giáp quân sự vượt lũ từ các huỵên phía Bắc vào Quế Sơn trưa 30-9
 
 
    Hành khách mắc kẹt lại trên đọan đường quốc lộ qua Quảng Nam kiên nhẫn chờ đợi, dự kiến sáng 1-10 mới có thể thông xe.
   Đón những gói mì tôm, chai nước ngọt đầu tiên từ đoàn công tác của tỉnh, chị Trần Thị Vịnh (28 tuổi, xã Duy Thành) không cầm được nước mắt. Hoàn cảnh của chị vô cùng cơ cực: biết lũ lên nhưng không thể chạy tránh do có 2 con nhỏ, đứa con đầu tiên bị bại liệt, chồng đi làm xa không về kịp đành thúc thủ ở nhà, mọi việc phải nhờ mấy anh em trong làng. Nước bủa vây tứ bề, chị Vịnh ngồi nhìn thằng con nhỏ cười ngây ngô mà nước mắt như mưa. Dọc tuyến đường canô về vùng đông Quế Sơn, Duy Xuyên khuất lấp sau những hàng tre ken dày ngã đổ tơi bời là những căn nhà ngập gần đến nóc, đâu đâu cũng có bóng thuyền nhỏ chực lao ra tìm người đến cứu trợ. Tại thôn An Lương, xã Duy Hải, sóng gió có lặn hơn nhưng nhiều đoạn đê xung yếu đã bị nước cắt hư hỏng.
 
 
Kể từ ngày 1-10, những thùng hàng cứu trợ đầu tiên mới bắt đầu đến tay người dân vùng ngập lũ
 
 
Nhiều làng xóm ngập trong nước…
Cùng cảnh ngộ với hàng ngàn hộ dân đang ngắc ngoải trong vùng rốn nước còn có huyện Đại Lộc – nơi mà đỉnh lũ “treo” hơn mức báo động 3 rất cao, hơn hẳn mức lũ năm 1999 và 2006. Lúc này, dọc sông Trường Giang ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành việc chạy lũ của dân không còn cấp bách nhưng nguy cơ thiếu ăn đang chực chờ bởi có thể còn cô lập nhiều ngày tới, dịch bệnh đe dọa bởi không có nguồn nước sạch. Chiều hôm qua (30-9), trời một số nơi trong tỉnh tiếp tục đổ mưa.
DOÃN HOÀNG
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tức và sự kiện

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC CÁC KIẾN THỨC VỀ LŨ. KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU KHI LŨ XẢY RA

21.09.2021 07:35


Tỉnh Quảng Nam có địa hình phần lớn là đồi núi dốc chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên nên khả năng tập trung nước nhanh. Lượng mưa trong mùa lũ lớn, sông suối ngắn và dốc do đó mà lũ ở lưu vực xảy ra rất ác liệt với cường suất lũ lớn. Lũ trên các sông trên lưu vực có đủ các dạng lũ đơn, lũ kép, có...

Các website liên quan