Trang nhất » Tin Tức » Tin tức và sự kiện

Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam

Một năm thời tiết thủy văn nhiều biến động tại Quảng Nam

Thứ sáu - 17/02/2017 08:17

 


Năm 2016 là năm thứ 3 liên tiếp nhiệt độ đạt mức nóng kỷ lục trong vòng hơn một trăm năm qua. 
Năm 2016 cũng là năm hiện tượng Elnino và Lanina thể hiện rất rõ trong thời gian đầu và cuối năm.
Năm 2016, tình hình thời tiết, thủy văn tại Quảng Nam đã có biến động khác thường về nhiệt độ, về mưa bão lũ và các hiện tượng KTTV cực đoan khác.
Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)
Năm 2016, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông nhiều gấp 3 lần so với năm 2015 và nhiều hơn 6 cơn so với giá trị trung bình nhiều năm (TBNN).
Từ tháng 01 đến tháng 4 năm 2016, trên biển Đông không có bão hoặc ATNĐ hoạt động.
Từ tháng 5 đến tháng 12/2016, trên biển Đông tháng nào cũng có ATNĐ và bão xuất hiện, tháng ít nhất có 1 cơn (tháng 7/2016); tháng nhiều nhất có đến 4 cơn (tháng 8/2016), trong đó có 5 cơn bão và ATNĐ đổ bộ vào nước ta.
Đáng chú ý là bão số 4 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam, vì vậy từ ngày 12 - 13/9, đã gây ra đợt mưa lớn diện rộng; Lượng mưa phổ biển các địa phương Quảng Nam từ 200 - 300mm, một số nơi lớn hơn như: Thủy văn Hiệp Đức 340mm, Khí tượng Trà My 344mm; gió trên đất liền cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, vùng biển gió cấp 8, giật cấp 9 - cấp 10; Biển động mạnh.
Bão và ATNĐ năm 2016 có những đặc điểm sau: số lượng bão, ATNĐ trên biển Đông rất nhiều (có đến 10 cơn bão và 8 ATNĐ), cường độ bão khi đang hoạt động ở vùng biển phía đông của Biển Đông rất mạnh (có cơn đạt cấp siêu bão, như bão Meranti, bão Nock-ten) nhưng thay đổi giảm cấp gió nhanh khi vào Biển Đông, mùa bão trên Biển Đông năm 2016 kết thúc muộn (đến ngày 28/12/2016 mới kết thúc), khu vực ảnh hưởng phân bố rộng hầu hết các địa phương ven biển từ Bắc bộ đến Nam Bộ và nhiều địa phương lân cận.
Không khí lạnh (KKL)  
Tháng 1, 2/2016 có các đợt KKL cường độ mạnh, làm nền nhiệt độ giảm đáng kể, trung bình giảm 2 - 3 độ C, có đợt nhiệt độ giảm đến 7 - 8 độ C, biên độ giảm nhiệt lớn gây nên cảm giác giá rét; nhiệt độ thấp nhất xuống đến 13 - 14 độ C; nền nhiệt độ thấp đã ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Trên biển, KKL gây ra gió Đông Bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7 kéo dài nhiều ngày, gây khó khăn cho hoạt động của các đảo ven bờ và ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt của Ngư dân. Bên canh đó, KKL đã gây mưa khá tốt cho các địa phương phía Nam tỉnh, đây là nguồn nước bổ sung quý giá trong điều kiện khô hạn do ít mưa trong mùa mưa 2015 gây ra.
Đáng chú ý, từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 và từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12/2016, KKL tăng cường liên tục kết hợp với gió Đông đã gây mưa lớn diện rộng kéo dài nhiều ngày gây khó khăn cho sản xuất Đông Xuân.
Mưa đá kèm lốc xoáy
Ngày 23/4/2016 trên địa bàn 4 xã vùng cao của huyện Tây Giang gồm Gari, Ch’ơm, Axan và Tr’hy xảy ra mưa đá, ước lượng viên đá có kích thước từ 2 - 3 cm kèm theo gió lốc đã làm tốc mái 40 ngôi nhà và gây thiệt hại 80ha hoa màu.
Ngày 29/4/2016 trên địa bàn xã Trà Tân, xã Trà Sơn và thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My đã xảy ra mưa đá kèm theo gió lốc gây thiệt hại về sản xuất và làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Ngày 03/5/2016 trên địa bàn xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc đã xảy ra mưa đá kèm theo lốc xoáy. Mưa đá và gió xoáy đã làm hư hỏng 56 nhà dân, ngã đổ 32 ha hoa màu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Về tình hình nhiệt độ
Nền nhiệt độ các tháng đầu năm 2016 khá thấp và biến đổi mạnh theo thời gian: Tháng 01/2016 các địa phương trong tỉnh có nhiệt độ trung bình tháng cao hơn TBNN từ 1.6 - 2.2 độ C; đến tháng 02/2016 nhiệt độ trung bình tháng thấp hơn TBNN từ 1.3 - 2.0 độ C. Đây là điều cần lưu ý trong biến trình nhiệt độ tháng, vì theo thống kê khí hậu nhiệt độ thấp nhất tại các địa phương Quảng Nam thường xuất hiện vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau, tăng dần từ tháng 2. 
Nhiệt độ trung bình năm 2016 từ 25.4 - 26.6 độ C, cao hơn năm 2015 khoảng 1.5 độ C.
Nhiệt độ tối cao: vùng đồng bằng 39.0 độ C (ngày 14/4/2016) cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1.0 độ C; vùng núi 38.3 độ C (ngày 11/4/2016) cao hơn cùng kỳ năm ngoái 1.2 độ C.
Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối: vùng đồng bằng 13.70C (ngày 25/01/2016), về thời gian xuất hiện tương tự năm ngoái, về giá trị thấp hơn hơn năm ngoái 1.70C; vùng núi 12.90C (ngày 08/02/2016), về thời gian xuất hiện muộn hơn năm ngoái 15 ngày, về giá trị thấp hơn năm ngoái 1.30C.
Năm 2016, đã xảy ra 15 đợt nắng nóng: Đợt nắng nóng đầu tiên xuất hiện từ ngày 10 - 18/4/2016; đợt nắng nóng cuối cùng xuất hiện từ ngày 09 - 10/9/2016. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 - 36 độ C, có đợt nhiệt độ cao nhất lên đến 36 - 38 độ C; độ ẩm thấp nhất phổ biến từ 50 - 55%, có đợt độ mẩm thấp nhât xuống đến 42 - 45%.
Năm 2016, nắng nóng có tần suất khá nhiều, xảy ra trên diện rộng, cường độ gay gắt và thời gian kéo dài như các đợt từ ngày 10 - 17/4/2016, từ 01 - 16/2016 và từ 7 - 17/8/2016 đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.
Về tình hình mưa
Năm 2016 là năm có lượng mưa biến động mạnh theo thời gian và không gian, đặc biệt lượng mưa tháng 12/2016 có nơi đạt trên 1000mm, như: Trà My 1039mm, Phước Sơn 1482mm, Tiên Phước 1595mm, lượng mưa tương tự năm 1986, 1999 là những năm mưa nhiều nhất tại Quảng Nam. Các tháng mùa mưa năm 2016 đã xảy ra 9 đợt mưa lớn diện rộng, kéo dài nhiều ngày, kết thúc muộn gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017.
Các đợt mưa lớn diện rộng đáng chú ý trong năm: Tháng 9/2016, có 2 đợt mưa lớn từ ngày 12 - 13/9 và ngày 20 - 22/9; Tháng 10/2016, có 2 đợt mưa lớn vào từ 15 - 16/10 và ngày 30 - 31/10; Tháng 11, 12/2016, có 3 đợt mưa lớn, trong đó có 02 đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày, từ ngày 29/11 - 05/12 và ngày13 - 18/12.
Tình hình thủy văn   
Từ tháng 1 - 8/2016 dòng chảy các sông trên địa bàn tỉnh ổn định ở mức thấp, không xuất hiện lũ tiểu mãn nên tình hình thiếu nước xảy ra nghiêm trọng trên hầu hết các địa phương thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và Tam Kỳ.
Mùa lũ năm 2016, trên các hệ thống sông Quảng nam đã xuất hiện 4 đợt lũ. Về số lượng lũ xấp xỉ TBNN, về đỉnh lũ vẫn thấp hơn năm 1999, 2007, 2009, 2011 và 2013 nhưng lũ xuất hiện liên tiếp từ đầu đến giữa tháng 12/2016, kết thúc muộn và dài ngày đã gây ảnh hưởng khá nặng nề cho sản xuất và sinh hoạt.
Tháng 9/2016, dòng chảy các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có biến động mạnh.
Trên sông Vu Gia, Thu Bồn xuất hiện một đợt lũ nhỏ: Trên Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đỉnh lũ đạt 7.26m vào lúc 16h ngày 13 tháng 9 năm 2016, dưới mức báo động II là 0.74m.
Trên sông Thu Bồn ở mức dưới báo động I.
Tháng 10, 11/2016, đây là tháng chính vụ mùa lũ tại Quảng Nam nhưng mãi đến cuối tháng 10 mới xuất hiện một đợt lũ từ ngày 28/10 - 4/11/2016.
Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đã xuất hiện lũ với đỉnh lũ đạt 7.96m vào lúc 03h ngày 03 tháng 11 năm 2016, dưới mức báo động II là 0.04m.
Trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu ở mức xấp xỉ báo động I.
Tháng 12/2016, dòng chảy trên các sông Quảng Nam đã có biến động mạnh. Trên các sông Vu Gia, Thu Bồn và Tam Kỳ đã xuất hiện 2 đợt lũ lớn liên tiếp.
Đợt lũ từ ngày 29/11 đến ngày 05/12/2016:
Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, đỉnh lũ 8.13m, cao hơn báo động II là 0.13m (xuất hiện lúc 19h ngày 03/12/2016);
Trên sông Thu Bồn: tại Giao Thủy, đỉnh lũ 7.68m, cao hơn báo động II 0.18m (xuất hiện lúc 18h ngày 03/12/2016); tại Câu Lâu 3.36m, cao hơn báo động II 0.36m (xuất hiện lúc 0h ngày 04/12/2016); tại Hội An 1.88m thấp hơn báo động III là 0.12m (xuất hiện lúc 01h ngày 04/12/2016).
Trên sông Tam Kỳ: tại Trạm Thủy văn Tam Kỳ, đỉnh lũ 2.62m, thấp hơn báo động III 0.08m (xuất hiện lúc 20h ngày 03/12/2016).
Đợt lũ từ ngày 13/12 đến ngày 18/12/2016:
Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, đỉnh lũ 9.44m, cao hơn báo động III là 0.44m (xuất hiện lúc 0h ngày 16/12/2016);
Trên sông Thu Bồn: tại Giao Thủy, đỉnh lũ 8.44m, thấp hơn báo động III là 0.16m (xuất hiện lúc 02h ngày 16/12/2016); tại Câu Lâu 4.30m, cao hơn báo động III là 0.30m (xuất hiện lúc 8h ngày 16/12/2016); tại Hội An 2.53m cao hơn báo động III là 0.53m (xuất hiện lúc 23h ngày 16/12/2016).
Trên sông Tam Kỳ: tại Trạm Thủy văn Tam Kỳ, đỉnh lũ 2.37m, cao hơn báo động II là 0.17m (xuất hiện lúc 07h ngày 17/12/2016).
 Năm 2016, thiên tai bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên. Thiên tai bão lũ luôn là thách thức hàng đầu của tất cả các nước trên thế giới. Sự biến động của thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu gia tăng nguy cơ đe dọa đến an toàn tính mạng, thất thoát tài sản, suy thoái môi trường, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, yêu cầu nâng cao năng lực phòng tránh giảm nhẹ thiên tai lại được đặt ra nhiều thách thức hơn bao giờ hết.
 
Quảng Nam, ngày 16/02/2017
     Trương Tuyến, Nguyễn Đình Huấn
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam

Tác giả bài viết: Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Tin tức và sự kiện

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC CÁC KIẾN THỨC VỀ LŨ. KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU KHI LŨ XẢY RA

21.09.2021 07:35


Tỉnh Quảng Nam có địa hình phần lớn là đồi núi dốc chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên nên khả năng tập trung nước nhanh. Lượng mưa trong mùa lũ lớn, sông suối ngắn và dốc do đó mà lũ ở lưu vực xảy ra rất ác liệt với cường suất lũ lớn. Lũ trên các sông trên lưu vực có đủ các dạng lũ đơn, lũ kép, có...

Các website liên quan