Trang nhất » Tin Tức » Thông tin cần biết

Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam
Khí tượng Quảng Nam

TÌM HIỂU CHUNG VỀ XOÁY THUẬN NHIỆT ĐỚI (BÃO VÀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI)

Thứ hai - 20/09/2021 16:45
TÌM HIỂU CHUNG VỀ XOÁY THUẬN NHIỆT ĐỚI
(BÃO VÀ ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI)
 
I. Khái lược về Xoáy thuận nhiệt đới
1.1 Khái niệm về xoáy thuận nhiệt đới:
Bão và ATNĐ được gọi chung là xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ): là một vùng gió xoáy, có đường kính tới hàng trăm kilômét, hình thành trên vùng biển nhiệt đới. Ở bắc bán cầu, gió thổi xoáy vào trung tâm theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Áp suất khí quyển trong bão thấp hơn rất nhiều so với xung quanh và thường thấp hơn 1000mb.
1.2 Cấu trúc bão:
Trong không gian ba chiều, bão là một cột xoáy khổng lồ, ở tầng thấp (khoảng 0  - 3 km) không khí nóng ẩm chuyển động xoắn trôn ốc ngược chiều kim đồng hồ (ở Bắc Bán Cầu) hội tụ vào tâm, chuyển động thẳng đứng lên trên trong thành mắt bão và tỏa ra ngoài ở trên đỉnh theo chiều ngược lại. Ở chính giữa trung tâm của cơn bão không khí chuyển động giáng xuống, tạo nên vùng quang mây ở mắt bão.

Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão.
Giá trị khí áp nhỏ nhất tại tâm bão và tăng dần ra phía rìa bão. Càng vào gần tâm, cường độ gió bão càng mạnh, khu vực tốc độ gió mạnh nhất cách tâm bão khoảng vài chục km. Vào vùng mắt bão gió đột ngột yếu hẳn, tốc độ gió gần bằng không. Khi qua khỏi vùng mắt bão gió lại đột ngột mạnh lên nhưng có hướng ngược lại, đây chính là tính chất ảnh hưởng nguy hiểm nhất của bão.
1.3 Điều kiện hình thành bão
Bão chỉ có thể hình thành khi có đủ 3 điều kiện: Nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy.
Theo nhà khí tượng Erik Palmen đã tìm ra rằng bão chỉ có thể hình thành trên biển trong dải vĩ độ 5 - 20 độ vĩ hai bên xích đạo có nhiệt độ cao (từ 26 - 27 độ C trở lên) đảm bảo cung cấp đủ lượng hơi nước khổng lồ bốc hơi mạnh từ mặt biển để cung cấp năng lượng ngưng kết cho bão hình thành và lực coriolis đủ lớn để tạo xoáy, tạo điều kiện thuận lợi cho bão hình thành. Sở dĩ bão không thể hình thành trong giải 0 - 5 độ vĩ về hai phía của xích đạo vì ở đó lực coriolis quá nhỏ, không đủ để tạo xoáy. Khối không khí trong vùng xoáy có chiều ngang khoảng 200 km, chiều dài khoảng 1000 km, cách mặt đất khoảng 10 - 12 km.
Lực Coriolis không những ảnh hưởng đến chiều quay của cơn bão mà nó quy định hướng di chuyển của cơn bão. Theo đó, cơn bão hình thành ở Bắc Bán Cầu luôn di chuyển lệch về bên phải, còn bão hình thành ở Nam Bán Cầu luôn di chuyển lệch về bên trái. Chính vì thế, khi bão hình thành ở biển Đông luôn có xu hướng di chuyển về phía đất liền Việt Nam.
1.4 Vòng đời của một cơn bão
Một cơn bão cần từ nhiều giờ cho đến nhiều ngày trước khi hình thành nên cơn bão hoàn chỉnh. Môt chu kỳ của vòng xoáy tiếp diễn khi tốc độ của gió được đẩy lên và sự nhiễu loạn trải qua 4 giai đoạn chính:
- ATNĐ có cường độ từ cấp 6 - cấp 7 (39-61km/h);
- Bão thông thường từ cấp 8 - cấp 11 (62 - 117km/h);
- Bão rất mạnh từ cấp 12 - cấp 15 (118 - 183km/h);
- Siêu bão từ cấp 16 (184km/h) trở lên.
Các cơn bão cũng có nhiều kích thước khác nhau. Một vài cơn bão nhỏ chỉ gồm một ít gió và mưa đi kèm trong khi có những cơn bão trải dài hàng ngàn km với mưa và gió lớn. Trên đường di chuyển, khi đến nơi có nhiệt độ thấp dưới 260C, đến vùng biển lạnh hoặc vào sâu trong đất liền, bão sẽ mất nguồn năng lượng bổ sung từ không khí nóng ẩm trên biển, bão sẽ yếu dần và tan đi. Đồng thời khi đến đất liền, với sự cản trở của địa hình, cây xanh cộng với lực ma sát với mặt đất cũng làm bão tan nhanh.
Bão nhiệt đới "tropical storms" là những cơn lốc xoáy, hình thành ngoài biển khơi, khi nhiệt độ của nước biển nóng quanh 260C, khối lượng khí ấm bốc lên tạo thành những đám mây khổng lồ ẩm và ấm, chúng hấp dẫn, hút không khí từ tứ phương đến, lấy năng lượng từ khí này tạo nên những luồng gió có vận tốc lên đến 300km/h, 186mph.
Bão biển được định nghĩa và quy định qua các cơ quan khí tượng quốc tế, phân biệt và gọi tên như: Cyclone, Hurricane, Typhoon, tùy thuộc vào nơi hình thành và cấu tạo của nó. Những loại bão biển này kéo dài nhiều ngày đến 2 hay 3 tuần, chúng di chuyển tuyến đường dài, có đường kính từ 15km đến 500km. Ngay chính giữa vòng xoáy của bão biển gần như không có mây, không có gió. Khi cơn bão chạm với đất liền, do sức cọ chạm với đất và cây cối, chúng dần dần mất đi năng lượng và từ từ biến mất.
1.5 Quy luật chung của bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới Việt Nam
Theo số liệu thống kê nhiều năm thì trung bình hàng năm có khoảng 5 - 6 cơn bão và 2 - 3 ATNĐ ảnh hư­ởng đến Việt Nam. Mùa bão bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào cuối tháng 11 và nửa đầu tháng 12. Bão thường tập trung nhiều nhất trong các tháng 8, 9, và 10.
Hướng di chuyển trung bình của bão cũng khác nhau theo mùa. Thời kỳ nữa đầu mùa bão, quỹ đạo bão có hướng Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, thư­ờng đổ bộ vào Đông Nam Trung quốc, Nhật Bản. Thời kỳ sau quỹ đạo thiên h­ướng Tây về phía Việt Nam. Trung bình, từ tháng 1 - 5, bão ít có khả năng ảnh hưởng đến Việt nam. Từ tháng 6 - 8, bão có nhiều khả năng ảnh hưởng đến Bắc Bộ. Từ tháng 9 - 11, bão có nhiều khả năng ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam bộ.
Ở nữa đầu mùa bão, quỹ đạo của bão ít phức tạp, và ngược lại, bão thường di chuyển phức tạp trong nửa cuối mùa bão. Quỹ đạo của bão trên Biển Đông có thể được chia thành 5 dạng chính: ổn định, phức tạp, parabol, suy yếu trên biển và mạnh lên gần bờ. Trong số đó, dạng phức tạp và mạnh lên gần bờ là khó dự báo nhất. Hơn nữa, khu vực Biển Đông chịu sự chi phối của nhiều hệ thống thời tiết khác nhau nên càng làm cho việc dự báo phức tạp hơn.
Lưu ý rằng, các đặc điểm trên đây là những tính chất trung bình đặc trưng nhất. Trong mỗi năm cụ thể, sự xuất hiện và tính chất quĩ đạo bão có thể khác nhiều so với các giá trị trung bình này.
II. Đặc điểm bão, ATNĐ ảnh hưởng tới Quảng Nam.
Hằng năm tại Quảng Nam có khả năng bị ảnh hưởng bởi bão hoặc ATNĐ là 0.6 cơn (được tính trung bình từ số liệu 1980-2020), tập trung vào các tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Năm bị ảnh hưởng trực tiếp do bão hoặc ATNĐ nhiều nhất là 02 cơn và có năm không bị ảnh hưởng. Một số cơn bão gây gió mạnh nhất ảnh hưởng tới Quảng Nam như: bão số  6 (bão Xangsane) 01/10/2006 gây ra gió mạnh 23m/s - cấp 9 tại Tam Kỳ , báo số 9 (bão Ketsana) 29/9/2009 gây ra 16m/s - cấp 7 tại Tam Kỳ và 18m/s - cấp 8 tại Trà My, bão số 9 (bão Molave) 28/10/2020  gây ra 14m/s - cấp 7 tại Tam Kỳ và 19m/s – cấp 8 tại Trà My, gió giật mạnh nhất trong các cơn này đạt tới cấp 11 - cấp 12.  
Ngoài ảnh hưởng đơn thuần từ bão (ATNĐ) có thể gây mưa lớn 1 đến 2 ngày, nhưng nếu còn ảnh hưởng kết hợp với các hình thế khác như gió Đông, KKL, dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực gây ra mưa to đến rất to tại Quảng Nam trong nhiều ngày. Đặc biệt nếu Quảng Nam nằm ở phía Bắc của xoáy thuận nhiệt đới số ngày xảy ra mưa to, rất to trung bình 3-4 ngày, riêng vùng núi Tây Nam trung bình từ 4-5 ngày. Nếu có gió mùa tiếp tục tăng cường thì số ngày mưa trong đợt có thể kéo dài hơn.
Gió mạnh và mưa lớn gây ra lũ, lũ quét, sạt lở đất …. gây thiệt hại nặng nề về tài sản cũng như tính mạng con người.
III. Khai thác và sử dụng thông tin bão, ATNĐ:
Hiện nay việc dự báo, cảnh báo sớm bão, ATNĐ đã có nhiều tiến bộ và nâng cao, có thể dự báo trước 3 – 5 ngày và được công bố rộng rãi trên truyền thông, truyền hình. Nên việc khai thác thông tin dễ dàng, tuy nhiên việc khai thác thông tin này phải thường xuyên vì giá trị dự báo đường đi, cũng như vị trí bão, ATNĐ, khu vực đổ bộ và ảnh hưởng có thể thay đổi.
Một số địa chỉ có thể truy cập để nhận các thông tin cảnh báo, dự báo bão, ATNĐ tại Quảng Nam như: http://quangnam.kttvttb.vn/, fanpage: Thời tiết Quảng Nam, fanpage: Thông tin phòng chống thiên tai Quảng Nam, http://pctt.quangnam.vn/.
IV. Kỹ năng phòng tránh bão:
4.1 Công tác chuẩn bị trước khi bão đến
-Đầu tiên cũng là quan trọng nhất, bạn phải dự trữ lương thực trong những ngày bão lớn, ưu tiên cho những thực phẩm khô, không cần chế biến.
-Đèn pin hay nến thắp sáng là thứ không thể thiếu. Bạn nên sạc đầy pin cho các thiết bị chạy bằng pin và để ở những vị trí dễ tiếp cận.
-Hãy kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa, nhanh chóng sửa chữa những chỗ bị hư hỏng, chằng chống, buộc lại cửa sổ, mái che đề phòng gió bão có thể giật tung và thổi bay tất cả mọi thứ và còn gây thương tích cho những người xung quanh.
-Thu hoạch ngay những nông sản phẩm đã đến mùa gặt hái. Đưa gia súc về nơi trú ẩn an toàn.
-Với các gia đình ngư dân, nên để tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
-Luôn cập nhật các bản tin thời tiết mới nhất từ bất cứ nguồn thông tin nào mà bạn dễ dàng thực hiện nhất: có thể từ radio, loa thông báo, internet, tivi…
-Nhớ mang theo quần áo, thức ăn, đèn pin… trước khi tiến hành sơ tán.
-Nếu bạn ở trong nhà cấp 4, nhà trọ mái tôn thì nên mang đồ đến những nơi trú ẩn an toàn, có kết cấu bê tông vững chắc: Nhà đổ mê, cơ quan văn phòng tại các tòa nhà lớn, trường học (tầng thấp)…
4.2 Kỹ năng phòng chống bão khi bão đến
 -Tuyệt đối không ra ngoài đường, trong lúc bão đang quét qua chắc chắn sẽ thổi bay mái tôn, các vật dụng sắc nhọn rất nguy hiểm, những lúc thế này, điều cần làm là cần tìm nơi trú kín đáo. Trong một số trường hợp, nên nằm sát đất và kiếm các gầm khe để trốn tránh cho an toàn.
 -Khi gió vừa dừng, thì không nên chạy ngay ra ngoài, vì rất có thể khu vực của bạn đang nằm trong “mắt bão”, gió xoáy có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, bạn sẽ không chạy lại vào nơi trú ẩn kịp, chờ đợi vài giờ sau khi bão qua, bảo đảm an toàn.
-Nên ở trong nhà, tránh đi lại trong nước (nếu bão mang mưa lớn gây ngập lụt) để đề phòng bị điện giật hay giẫm phải những vật sắc nhọn.
 -Nếu trong nhà không có sẵn nguồn nước an toàn, hãy đun tạm nước mưa trong vòng 20 phút và để nó trong bình chứa có nắp đậy.
 -Nếu buộc phải di chuyển đến một trung tâm sơ tán, cần chú ý tuyệt đối bình tĩnh, đóng tất cả cửa sổ và cửa ra vào, đồng thời tắt công tắc điện nguồn.
 
4.3 Khắc phục hậu quả sau bão
- Nếu nhà đã bị bão phá hủy, hãy đảm bảo rằng không có cái gì sẽ rơi trúng người bạn. Cần cảnh giác với những con vật nguy hiểm như rắn, rết, chuột… hay bất cứ con gì có thể vào nhà bạn. Cần cảnh giác với các nguồn điện có thể gặp nước.
- Việc dọn dẹp nhà cửa sau bão cũng rất quan trọng và cần được tiến hành khẩn trương. Hãy thông báo ngay cho nhà chức trách nếu các đường cáp, đường dây điện bị hỏng.
- Bạn cũng cần nhanh chóng thu dọn nước mưa bị tồn đọng trong các vũng, thau chậu… để tránh muỗi sinh sôi nảy nở.
Nắm bắt rõ những kỹ năng phòng chống bão sẽ giúp hạn chế những thiệt hại do bão gây ra cho cả người và của.

Tác giả bài viết: Đài Khí tượng Thủy Văn tỉnh Quảng Nam

Nguồn tin: Đài Khí tượng Thủy Văn tỉnh Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Tin tức và sự kiện

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC CÁC KIẾN THỨC VỀ LŨ. KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU KHI LŨ XẢY RA

21.09.2021 07:35


Tỉnh Quảng Nam có địa hình phần lớn là đồi núi dốc chiếm hơn 70% diện tích đất tự nhiên nên khả năng tập trung nước nhanh. Lượng mưa trong mùa lũ lớn, sông suối ngắn và dốc do đó mà lũ ở lưu vực xảy ra rất ác liệt với cường suất lũ lớn. Lũ trên các sông trên lưu vực có đủ các dạng lũ đơn, lũ kép, có...

Các website liên quan